Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án

Posted on Đất đai 119 lượt xem

Khi các bên xảy ra tranh chấp đất đai, các bên có thể chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp. Khi các tranh chấp không thể hòa giải được, Tòa án sẽ là sự lựa chọn cuối cùng để các bên giải quyết tranh chấp. Vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án gồm những bước nào? Hãy cùng Luật Việt Phong tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Theo Điều 236 luật Đất đai 2024, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp, hoặc một trong các bên tranh chấp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng… hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 137 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.

Nếu các bên không có giấy chứng nhận, hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của luật này, thì được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết sau đây:

Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 236 luật Đất đai 2024.

Cụ thể, khoản 3 Điều 236 quy định, trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết, mà các bên tranh chấp không khởi kiện, hoặc khiếu nại theo quy định, thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp huyện có hiệu lực thi hành.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa án, hoặc khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết mà các bên tranh chấp không khởi kiện, hoặc khiếu nại theo quy định thì quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa án, hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực thi hành.

Thứ hai, khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.

Cũng theo Điều 236 luật Đất đai, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại khoản 3 điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên nghiêm chỉnh chấp hành. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất tranh chấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai và tổ chức thực hiện.

Riêng đối với tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án, hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án gồm những bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Bao gồm:

– Đơn khởi kiện;

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 236 Luật Đất đai 2024;

– Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp;

– Bản sao Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người khởi kiện;

– Các giấy tờ chứng minh liên quan khác.

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện

– Nơi nộp: Tòa án nhân dân cấp huyện có đất đang tranh chấp.

– Hình thức nộp có thể:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Tòa thụ lý và giải quyết

– Nếu hồ sơ chưa đủ thì Tòa án yêu cầu bổ sung.

– Nếu hồ sơ đủ:

  • Tòa thông báo nộp tạm ứng án phí.
  • Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thuế theo giấy báo tạm ứng án phí và mang biên lai nộp lại cho Tòa.
  • Khi nhận được biên lai đóng tạ ứng án phí Toà án sẽ thụ lý giải quyết.

Bước 4: Thủ tục chuẩn bị xét xử và xét xử

– Trong giai đoạn này Tòa sẽ tổ chức hòa giải tại Tòa án; Nếu các bên không hòa giải thành thì sẽ Tòa sẽ đưa vụ án tranh chấp ra xét xử sơ thẩm (nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ).

– Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với bản án và phải có căn cứ.

 

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Rất mong được hợp tác với quý khách!

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 0904 582 555

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn


Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.

Gửi đánh giá

Bài viết cùng chủ đề