Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là yếu tố quyết định đến sự bảo vệ và quản lý các sáng tạo và phát minh. Thời gian bảo hộ quy định khoảng thời gian mà các quyền sở hữu trí tuệ, như kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và nhãn hiệu, được bảo vệ khỏi sự xâm phạm từ bên ngoài. Nắm vững thông tin về thời hạn bảo hộ giúp các cá nhân và doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các quyền lợi của mình trong thị trường cạnh tranh.

1. Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022).

Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh (theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022).

2. Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Điều kiện bảo hộ chung đối với sáng chế được bảo hộ

Theo điều 58 quy định sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có tính  mới;

- Có trình độ sáng tạo;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều kiện bảo hộ chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ:

Theo điều 63 quy định điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp:

- Có tính mới;

- Có tính sáng tạo;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều kiện bảo hộ chung đối với thiết kế bố trí:

Theo điều 68 quy định điều kiện chung đối với thiết kế bố trí:

- Có tính nguyên gốc;

- Có tính mới thương mại.

Điều kiện bảo hộ chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ:

Theo điều 72 quy định điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ:

- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;

- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Điều kiện bảo hộ chung đối với tên thương mại được bảo hộ:

Theo điều 76 quy định điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ:

- Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Điều kiện bảo hộ chung đối với chỉ dẫn địa lý:

Theo điều 79 quy định điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

- Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

+ Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

- Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Điều kiện bảo hộ chung đối với bí mật kinh doanh:

Theo điều 84 quy định điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ:

-  Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

-  Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

-  Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

3Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Hiệu lực của văn bằng bảo hộ được quy định rõ tại điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 như sau:

- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếpmỗi lần năm năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;

+ Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

+ Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

- Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid. thời hạn có hiệu lực là 20 năm (theo quy định của Thỏa ước Madrid) và 10 năm (theo quy định của Nghị định thư Madrid) và có thể được gia hạn bảo hộ.

- Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn sáu tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay, năm năm kể từ ngày đăng ký quốc tế nếu đăng ký không được gia hạn.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Rất mong được hợp tác với quý khách!

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 0904 582 555

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn


Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.

Gửi đánh giá

Bài viết cùng chủ đề