Thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam

Posted on Thành lập chi nhánh 65 lượt xem

Với tiềm năng thị trường bảo hiểm không ngừng mở rộng và chính sách thu hút đầu tư ngày càng cởi mở, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn bảo hiểm quốc tế muốn thành lập chi nhánh và mở rộng hoạt động tại khu vực. Bài viết dưới đây của công ty Luật Việt Phong sẽ cung cấp chi tiết thông tin pháp lý liên quan về việc Thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

1. Chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam được hiểu như thế nào? 

Chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài được thành lập dưới hình thức chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài. Như vậy, doanh nghiệp không được phép thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.

Theo Khoản 19 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam.

Theo Khoản 20 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam.

2. Điều kiện thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài 

2.1. Điều kiện chung

Theo Điều 67 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều kiện cơ bản để cấp giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

+ Có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế, trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh tại Việt Nam;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đã ký kết thỏa thuận quốc tế với Bộ Tài chính Việt Nam về quản lý, giám sát hoạt động của chi nhánh;

+ Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động trong phạm vi các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp được phép kinh doanh;

+ Có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam;

+ Có tổng tài sản tối thiểu đáp ứng điều kiện quy định tại  Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm;

+ Cam kết bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

2.2. Điều kiện về tài chính

Theo Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định các điều kiện về tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam như sau:

+ Tổ chức góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu lớn hơn hoặc bằng số vốn dự kiến góp;

+ Có báo cáo tài chính 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.

2.3. Điều kiện về vốn pháp định

Điều 36 Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định về mức vốn tối thiểu của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài như sau:

Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài:

+ Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định điểm b, điểm c khoản 1 Điều 36 Nghị định 46/2023/NĐ-CP) và bảo hiểm sức khỏe: 250 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.

Chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài:

+ Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 450 tỷ đồng Việt Nam;

+ Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam.

Lưu ý: Nguồn vốn thành lập chi nhánh là nguồn hợp pháp, không sử dụng vốn vay hoặc nguồn vốn ủy thác đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào.

2.3. Điều kiện nhân sự

Chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam phải có Giám đốc chi nhánh, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động được phép hoạt động như doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định.

3. Hồ sơ thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam 

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh

- Bản sao Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty mẹ

- Báo cáo tài chính được kiểm toán 3 năm gần nhất

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam

- Điều lệ hoạt động chi nhánh dự kiến

- Phương án kinh doanh 5 năm đầu

- Hồ sơ về nhân sự dự kiến (Giám đốc chi nhánh, kế toán trưởng…)

- Các tài liệu chứng minh năng lực tài chính

4. Thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động đối với chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài

Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp phép. Có thể nộp hồ sơ bằng 2 hình thức:

+ Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tài chính;

+ Gửi qua đường bưu điện;

+ Qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu đủ điều kiện).

Bước 2: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) xem xét, thẩm định hồ sơ và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

Bước 3: Chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có) trong vòng 6 tháng kể từ ngày ra thông báo. Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đúng thời hạn quy định, Bộ Tài chính từ chối xem xét cấp Giấy phép.

Bước 4: Bộ Tài chính xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho chi nhánh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

 

Trên đây là hướng dẫn của Công ty Luật Việt Phong về Thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 0904 582 555

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn


Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.

Gửi đánh giá

Bài viết cùng chủ đề