Phương thức giải quyết tranh chấp đất đai

Posted on Đất đai 113 lượt xem

Luật đất đai 2024 quy định nhiều cách giải quyết tranh chấp đất đai gồm tự hòa giải, bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã, đề nghị UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Cụ thể quy định về từng cách thức giải quyết như sau:

1. Hòa giải tranh chấp đất đai 

Căn cứ vào Điều 235, quy định về phương thức hòa giải như sau:

  • Tự hòa giải

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.” 

Theo điều khoản trên, các bên tự hòa giải là cách thức giải quyết được Nhà nước khuyến khích nhưng kết quả giải quyết không bắt buộc các bên phải thực hiện mà phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên.

  • Bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã 

2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:

a) Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;

b) Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

c) Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;

d) Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;

đ) Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.”

Theo đó, nếu các bên tranh chấp không hòa giải được nhưng muốn giải quyết tranh chấp thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi đưa vụ việc ra tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước khác.

Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã được thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1. Nộp đơn:

Các bên tranh chấp nộp đơn yêu cầu hòa giải đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bước 2. Thành lập hội đồng hòa giải:

Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ thành lập hội đồng hòa giải gồm đại diện các bên, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính và những người có uy tín trong cộng đồng.

Bước 3. Tiến hành hòa giải:

Hội đồng hòa giải sẽ tổ chức các buổi hòa giải để các bên trình bày ý kiến, đưa ra các giải pháp và tìm kiếm sự đồng thuận.

Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai ( giảm thời gian hòa giải tại UBND cấp xã từ 45 ngày xuống còn 30 ngày).

Bước 4. Kết quả hòa giải:

Hòa giải thành: Nếu các bên đạt được thỏa thuận, hội đồng hòa giải sẽ lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải.

Hòa giải không thành: Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, vụ việc sẽ được chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Đề nghị ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết 

Căn cứ khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024, tranh chấp mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3. Khởi kiện tại tòa án nhân dân 

Khoản 1,2 điều 236 Luật đất đai 2024 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án như sau:

“1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

 

Theo đó, những trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự được khởi kiện tại Tòa án nhân dân gồm:

  • Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai.
  • Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng…).
  • Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai.

Việc khởi kiện ra tòa án là một phương thức giải quyết tranh chấp đất đai cuối cùng. Mặc dù có những ưu điểm nhất định, tuy nhiên phương thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn như: Thủ tục phức tạp, chi phí cao, thời gian giải quyết lâu,... Do đó, các bên trong tranh chấp nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn phương thức này.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt Phong về Phương thức giải quyết tranh chấp đất đai. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn bạn vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Công ty Luật Việt Phong để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý. Rất mong được hợp tác với quý khách!

 

 

 

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với Luật sư 0904 582 555

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Việt Phong luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn


Quý khách vui lòng gửi bình luận và đánh giá.

Gửi đánh giá

Bài viết cùng chủ đề